Sản phẩm Orange Pi 5 có lẽ là sản phẩm được cộng đồng support nhiều nhất hiện nay của Orange Pi. Không chỉ vì nó có cấu hình mạnh mẽ lên tới 16GB RAM mà chip hệ thống SoC RK3588 mà Orange Pi 5 đang sử dụng cũng rất là phổ biến đối với tất cả mọi người. Nếu như trước đây người dùng chỉ có 2 lựa chọn là phiên bản Linux / Android của hãng, thì giờ đây đã có rất nhiều lựa chọn hơn.
Hai phiên bản Orange Pi 5
|
|
Các phiên bản của hãng cung cấp
Đầu tiên không thể không thể không kể đến các phiên bản hệ điều hành của hãng cung cấp bao gồm có Debian và Ubuntu, trong đó Ubuntu có các phiên bản focal và jammy, Debian là phiên bản bullseye có đủ cả server lẫn desktop với nhân kernel 5.10. Các phiên bản này đều chạy ổn định với giao diện bắt mắt và dễ dùng.
Ngoài ra còn có phiên bản Android 12 thuần build từ source code, bên cạnh đó còn có 1 bản Android 12 khác gọi là Orange Pi OS (Droid). Phiên bản Orange Pi OS (Droid) này sử dụng SDDiskTool_v1.72 để flash, có thể chạy trên cả thẻ nhớ, ổ cứng NVME và ổ cứng SSD gắn cổng M2 PCIe. Orange Pi OS (Droid) sử dụng Aurora Store để tải về phần mềm trên Android mà không dùng Play Store. Phiên bản này khá hấp dẫn và chung tôi đang trong quá trình thử nghiệm nghiên cứu thêm
Armbian
Ngay sau khi ra mắt được 1 tuần, Orange Pi 5 đã trở thành partner của cộng đồng ARMBIAN – cộng đồng Linux cho bo mạch phát triển ARM lớn nhất thế giới hiện nay, cùng với Banana Pi M5 và Banana Pi M2P.
Điều đó có nghĩa là các bản build của Armbian cho Orange Pi 5 sẽ được:
– automatic thử nghiệm,
– hỗ trợ nhiều và tốt hơn,
– dịch vụ hỗ trợ chuyên nghiệp theo yêu cầu.
Xem thêm tại: https://forum.armbian.com/subscriptions
Đối với Armbian chúng ta có các phiên bản Bullseye CLI, Bulleyes Minimal CLI, Armbian Jammy Cinnamon desktop, Armbian Jammy Minimal CLI và Armbian Jammy XFCE desktop. Tất cả các phiên bản Armbian đều được lưu trữ tại đây: https://mirror.yandex.ru/mirrors/armbian/archive/orangepi5/archive/
Các phiên bản Armbian đều có thể dễ dàng cài trên thẻ nhớ, xong từ đó cài thẳng lên ổ cứng SSD NVME hoặc SATA gắn cổng M2 của Orange Pi 5.
Ubuntu 22.04
Như ở bài trước (Cài đặt Ubuntu 22.04 Desktop trên Orange Pi 5) tôi đã giới thiệu phiên bản Ubuntu 22.04 của Joshua Riek. Phiên bản Ubuntu desktop này giống y hệt các phiên bản chạy trên chip X86 khác, và tạo nên một sự thân thuộc đối với những người dùng Ubuntu lâu năm. Phiên bản này hỗ trợ nhiều usb wifi của nhiều hãng, thứ mà Orange Pi 5 đang thiếu, ngoài ra việc cập nhật các gói tin trên repo chính hãng cũng tạo ra sự an tâm cho người dùng khi nâng cấp và cài đặt, hoặc phát triển các phần mềm trên Orange Pi 5. Ubuntu 22.04 cũng có thể cài lên trên ổ cứng SSD NVME hoặc SSD gắn cổng M2.
Điều tuyệt vời nhất là tác giả vẫn đang miệt mài tiếp tục phát triển các bản Ubuntu cho các chip Rockchip, trong đó có Orange Pi 5 và Orange Pi 5 Plus. Các bạn có thể theo dõi các phiên bản mới hơn trên github: https://github.com/Joshua-Riek/ubuntu-rockchip
DietPI
Nếu bạn ưa thích 1 hệ điều hành nhỏ gọn, tốn ít tài nguyên mà lại sẵn sàng dễ dàng cài thêm các phần mềm khác, bạn nên lựa chọn DietPi. Tại bài trước tôi cũng đã giới thiệu về DietPI và cách cài đặt (DietPi cho Orange Pi) . Với Orange Pi 5 thì bạn có sẵn luôn 1 bản cài chỉ việc tải về và sử dụng. Nếu bạn chưa sử dụng DietPI thì đây là cơ hội vì nó rất đơn giản và dễ dùng. DietPi cũng có thể cài lên thẻ nhớ microSD hoặc ổ cứng SSD NVME hoặc SSD gắn cổng M2.
Windows 11 trên Orange Pi
Windows ư? Vâng đúng rồi bạn không nghe nhầm đâu. Đã có 1 LTV cài được thành công Windows 11 trên Orange Pi5, sử dụng hướng dẫn trên dự án Windows on R (https://worproject.com/). Thực tế dự án Windows on R project trước chỉ nhắm tới các sản phẩm Raspberry PI, nhưng giờ do sự phát triển của các bo mạch phát triển quá nhiều, dự án đã mở rộng thêm các bo mạch khác, và hướng dẫn này nhắm tới 2 bo mạch là Radxa ROCK 5B và Orange Pi 5, cùng sử dụng chip RK3588.
Preliminary installation guide for RK3588 boards
Nếu bạn sử dụng máy Linux, bạn có thể sử dụng file bash cài tự động từ github này: https://github.com/buddyjojo/workli
Việc cài Windows 11 trên Orange Pi khá phức tạp, về căn bản bạn phải làm các bước sau:
- Cài UEFI firmware lên SPI của Orange Pi
- Tải về bản Windows cho ARM, cũng khá phức tạp trên Microsoft, hoặc tải về bản chuẩn bị sẵn.
- Sau đó flash lại Windows 11 ngược lại vào bo mạch
- SPI sẽ boot dạng UEFI và khởi động Windows 11
Hiện tại chúng tôi chưa thử nhưng các bạn có thể xem video demo của LTV đã cài thành công ở đây: https://www.youtube.com/@leepspvideo
Kết luận
Tất cả các phiên bản Linux trên đã khá đủ đối với các bạn trong qua trình nghiên cứu và phát triển Orange Pi 5. Đối với phiên bản Android và Orange Pi OS (Droid) chúng tôi đang nghiên cứu và sẽ đưa ra trong 1 bài viết khác tập trung hơn.
Hy vọng là với Orange Pi 5, các bạn sẽ có thể sử dụng bo mạch này như một chiếc máy tính nhỏ gọn, cấu hình cao và phục vụ các tác vụ đơn giản của bạn theo nhu cầu mà không phải dùng đến một chiếc máy tính đắt tiền và chiếm diện tích. Nếu có thắc mắc thêm, bạn có thể tham khảo Manual của Orange Pi tại trang web sau: https://orangepi.net/user-manuals
Chúc các bạn thành công!