So sánh các phiên bản Orange Pi 5

Gần đây, một số khách hàng có thông báo rằng Orange Pi ra quá nhiều phiên bản Orange Pi 5, dẫn đến việc khó chọn lựa các phiên bản phù hợp với nhu cầu. Do vậy chúng tôi làm một bảng tóm tắt và so sánh để quý khách hàng hiểu hơn về các phiên bản trong series sản phẩm Orange Pi 5.

1. Chip SoC (System on Chip)

Đầu tiên, về chip SoC, trái tim của mỗi máy tính bo mạch đơn (Single Board Computer) thì tất cả các phiên bản Orange Pi 5 đều dùng dòng chip RK3588 của Rockchip. Trong đó duy nhất Orange Pi 5 Plus dùng RK3588 (không có S) còn lại các phiên bản khác như Orange Pi 5, Orange Pi 5B, Orange Pi 5 Pro đều dùng chip RK3588S (có S phía sau). Về sự khác nhau giữa RK3588 và Rk3588S, chúng tôi đã có hẳn 1 bài viết về sự khác nhau này

Khác biệt giữa chip RK3588 và RK3588S

2. Bộ nhớ động (RAM)

Tất cả các phiên bản Orange Pi 5, kể cả 5 Plus đều mặc định dùng LPDDR4, duy nhất Orange Pi 5 Pro sử dụng LPDDR5. Một trong những điểm nổi bật của LPDDR5 là tốc độ truyền tải dữ liệu lớn hơn so với LPDDR4. LPDDR5 có khả năng đạt tới tốc độ 6.4 Gbps, trong khi LPDDR4 chỉ đạt khoảng 4.26 Gbps. Điều này mang lại trải nghiệm người dùng mượt mà hơn, đặc biệt là khi xử lý các ứng dụng đòi hỏi tốc độ truyền dữ liệu lớn như trò chơi và xử lý đồ họa. Các bạn có thể xem thêm ở đây.

So sánh giữa LPDDR4 và LPDDR5 – bước đột phát mới trong công nghệ bộ nhớ động

Còn về dung lượng, tất cả các phiên bản Orange Pi 5 đều có các lựa chọn RAM 4GB, RAM 8GB hay RAM 16GB. Cá biệt đối với phiên bản Orange Pi 5 Plus, các bạn có thể có tới 32GB RAM

Orange Pi 5 Plus 32GB RAM

3. Bộ nhớ lưu trữ

SDCard, eMMC hay M.2 SSD, 3 loại bộ nhớ này đều có trên Orange Pi 5.

  • SDCard hay microSD là bộ nhớ căn bản của mọi bo mạch SBC, đây chính là nơi bạn có thể flash hệ điều hành từ máy tính windows vào và boot bo mạch từ đây. Orange Pi cũng mặc định đọc bootloader là từ SDCard. SDCard đơn giản, dễ mua, flash được từ windows nhưng lại không ổn định, dễ hỏng. Chính vì thế các bạn nên cân nhắc khi sử dụng bộ nhớ này.
  • eMMC: eMMC có tốc độ nhanh hơn, lưu trữ tốt hơn và ổn định hơn, tuy nhiên đắt tiền hơn. Orange Pi 5B là phiên bản duy nhất có eMMC gắn onboard, việc nay đem lại sự đơn giản, nhưung lại thiếu đi lựa chọn linh họa. Còn lại Orange Pi 5 Plus và Orange Pi 5 Pro phải sử dụng module eMMC của Orange Pi, bạn có thể chọn từ 32GB, 64GB đến 256GB tùy ý. Orange Pi 5 không có eMMC
  • M.2 SSD: đây là bộ nhớ mới nhất có tốc độ nhanh nhất hiện nay. M.2 SSD còn chia ra thành 2 dạng là NVME và NGFF (xem khác nhau tại đây: Tìm hiểu về công nghệ ổ cứng SSD: NVMe, SATA, M.2). Trừ Orange Pi 5B đã có sẵn eMMC trên bo mạch, thì các phiên bản còn lại đều có khe cắm M.2 SSD, trong đó Orange Pi 5 là M.2 SSD size 2242 và Orange Pi 5 Plus và Orange Pi 5 Pro là M.2 SSD 2280

Ngoài ra, còn có 1 bộ nhớ khá quan trọng nữa là bộ nhớ Flash SPI, hay còn gọi là bộ nhớ ROM. Về bản chất SPI không phải là tên 1 bộ nhớ, đó là một giao thức là Serial Peripheral Interface (SPI), và nó là giao thức kết nối với bộ nhớ Flash tới chip SoC. Tuy nhiên, do sử dụng nhiều, nên mình hay gọi nó là bộ nhớ SPI, nhưng thực ra không phải. Còn bộ nhớ flash SPI, về mặt kỹ thuật, nó là một loại EEPROM – bộ nhớ đọc/ghi bằng điện và không mất dữ liệu khi ngừng cung cấp điện. Bộ nhớ này thường rất nhỏ, chỉ vào khoảng 8MB đến 16MB, nên nó thường được lưu bootloader hay các chỉ thị khởi động của bọ mạch. Trên thực tế, bootloader có thể lưu tại bất cứ đâu, không nhất thiết phải là SPI Flash, mà có thể là eMMC hoặc SDCard.

Trong Orange Pi 5 series, thì Orange Pi 5 Pro  và Orange Pi 5B không có SPI Flash, mà chỉ có Orange Pi 5 và Orange Pi 5 Plus có sẵn trên mạch với dung lượng 16MB. Thực ra Orange Pi 5B không có SPI Flash cũng không sao, vì nó có eMMC onboard, và bạn có thể lưu bootloader trên đó, và 16MB thì chiếm một phần quá nhỏ so với 64GB hay 128GB eMMC có sẵn trên bo mạch. Còn đối với Orange Pi 5 Pro, sẽ hơi khó khăn 1 chút, là bạn sẽ phải lưu bootloader trên eMMC, và nếu không có eMMC bạn sẽ phải dùng SDCard. Do vậy, với Orange Pi 5 Pro, chúng tôi khuyến cáo các bạn dùng eMMC, loại nhỏ nhất như là module eMMC 32GB này, giá chỉ chỉnh hơn 1 chiếc thẻ nhớ SD 1 chút.

4. Kết nối Internet

Tất cả các phiên bản Orange Pi đều có kết nối LAN Gigabit, chỉ khác duy nhất là Orange Pi 5 Plus là có tới 2 cổng LAN, và là cổng LAN 2.5GB, điều này giúp cho Orange Pi 5 Plus có thể trở thành một server mini với khả năng cân bằng tải ở 2 đường truyền song song, cùng với kết nối Wifi tùy chọn qua cổng PCIe E. Key

Còn với kết nối không dây wifi, hãy nhớ duy nhất là chỉ có Orange Pi 5B và Orange Pi 5 Pro mới có wifi onboard, đó là Wifi6 và BT5, còn lại các phiên bản đều yêu cầu phải có module wifi lắp thêm. Như Orange Pi 5, bạn sẽ phải hy sinh luôn cổng M.2 PCIe để dùng wifi, có nghĩa là bạn chỉ được lựa chọn 1 trong 2, nếu dùng SSD M2 thì thôi Wifi và ngược lại. Card Wifi cho Orange Pi 5 hiện tại chỉ có phiên bản này của hãng sử dụng được.

Module Bluetooth và Wifi cho Orange Pi 5

Còn Orange Pi 5 Plus, thì cổng M2 cho Wifi nằm riêng biệt với cổng M2 cho SSD, do vậy bạn có thể dùng cả 2, cả SSD lẫn Wifi. Không những thế, cổng M.2 E key của Orange Pi 5 Plus lại tương thích với rất nhiều card wifi khác nhau, nhất là các card wifi của Intel như 7260, 7265 hay AX200, AX210 … cho phép bạn sử dụng công nghệ Wifi5 hoặc Wifi6 mới nhất trên bo mạch với chi phí rẻ hơn.

Card Wifi và Bluetooth model 7265 cho Orange Pi 5 Plus

5. GPIO và các kết nối khác

Đây cũng là các thành phần không thiếu được với các dự án khi lựa chọn bo mạch, tôi gom lại thành 1 mục chung

  • HDMI: tất cả các phiên bản có HDMI out, Orange Pi 5 Pro có 2 HDMI out, Orange Pi 5 Plus có 2 HDMI out và 1 HDMI in
  • CSI MIPI cho camera: tất cả các phiên bản đều có 2 cổng, riêng 5 Plus chỉ có 1
  • DSI MIPI cho màn hình DSI: tất cả các phiên bản đều có 1 cổng DSI, tuy nhiên khác nhau về chân cắm
  • Audio out: tất cả đều có chân 3.5 audio out
  • Micro on board: tất cả đều có
  • IR (Hồng ngoại): chỉ riêng Orange Pi 5 Plus có
  • GPIO: Orange Pi 5 và 5B là 26 pins, còn Orange Pi 5 Pro và 5 Plus là 40 pins
  • Chân cắm pin RTC (Real Time Clock) và chân quạt có PWM (điều khiển được): Chỉ có trên Orange Pi 5 Plus và Orange Pi 5 Pro
  • USB:
    • Orange Pi 5: 1 cổng type A 3.0, 1 cổng type A 2.0, 1 cổng type A 2.0 dùng chung với cổng cổng type C có display (nếu dùng type C cổng type A mất sử dụng)
    • Orange Pi 5B: 1 cổng type A 3.0, 1 cổng type A 2.0, 1 cổng type A 2.0 dùng chung với cổng cổng type C có display (nếu dùng type C cổng type A mất sử dụng)
    • Orange Pi 5 Pro: 1 cổng type A 3.0, 3 cổng type A 2.0, 1 chân header cắm thêm được 2 cổng type A
    • Orange Pi 5 Plus: 2 cổng type A 2.0, 2 cổng type A 3.0, 1 cổng type C có Display

6. Kích thước và tổng kết

So sánh Orange Pi 5 Series
So sánh Orange Pi 5 Series
So sánh Orange Pi 5 Series - Giá tham khảo
So sánh Orange Pi 5 Series – Giá tham khảo

Xin cảm ơn các bạn đã theo dõi, và mua hàng tại Orange Pi Việt Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *